Đứng trước câu hỏi liệu có nên ở cùng gia đình hay ra riêng, bạn cần hiểu được những ưu-nhược điểm của từng lựa chọn. Hãy cùng chúng tôi phân tích một vài khía cạnh sau để có thể chọn cho mình một quyết định đúng đắn nhất.
Nhiều bạn trẻ hiện nay có những trăn trở về việc sống tự lập với những trải nghiệm cuộc sống mới để không phụ thuộc quá nhiều vào gia đình. Tuy nhiên, vấn đề chi phí vẫn luôn là bài toán khó giải, làm cho nhiều bạn trẻ vẫn còn phân vân khi đứng trước quyết định “ra riêng” hay tiếp tục sống cùng bố mẹ để tiết kiệm tiền.
Những lợi ích của việc sống cùng gia đình?
Lựa chọn sống cùng gia đình là một phương án thường thấy của các bạn đang có mức thu nhập trung bình. Việc sống cùng gia đình sẽ cho bạn có cơ hội để tiết kiệm tiền vì mỗi tháng, bạn chỉ chi tiêu cho những chi phí sinh hoạt, lại không mất tiền thuê nhà, số tiền còn lại, bạn có thể phục vụ cho những kế hoạch lớn và những mục tiêu lâu dài của bản thân như du lịch, đầu tư, hoặc tích góp mua nhà chẳng hạn…
Một lí do dễ thương khác đó là bạn chắc chắn sẽ luôn là cô công chúa hay chàng hoàng tử trong gia đình, và luôn nhận được quan tâm chăm sóc từ những người yêu thương.
Tuy nhiên, việc ở cùng gia đình cũng gây ra một số bất tiện như mâu thuẫn trong quan điểm sống hoặc những bất đồng trong sinh hoạt hằng ngày do sự khác biệt giữa các thế hệ. Bạn sẽ có khả năng bị ảnh hưởng từ ý kiến gia đình, điều này khiến bạn có xu hướng dựa dẫm vào bố mẹ và ít có cơ hội tự chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình.
Vậy có nên thuê nhà để sống tự lập?
Tuy nhiên, bạn cũng nên cân nhắc thêm khi có ý định thuê nhà sống cùng bạn bè hoặc sống tự lập một mình. Bên cạnh những lợi ích như mang lại nhiều trải nghiệm thú vị, giúp cho bạn độc lập và mạnh mẽ hơn, nó cũng sẽ đem lại muôn vàn gian truân, trắc trở mà bạn có thể sẽ gặp phải khi “ra riêng”.
Đa số các bạn trẻ ra riêng đều lựa chọn ở cùng với 1-2 bạn trong phòng trọ hoặc chung cư tùy theo mức thu nhập cũng như là nhu cầu của riêng mình. Bạn có thể lựa chọn thuê những căn phòng có vị trí gần chỗ làm, chỗ học, tiện lợi cho việc di chuyển cũng như cho các tiện ích hằng ngày.
Bên cạnh đó, việc sống tự lập giúp bạn chủ động về mặt thời gian hơn, không bó buộc như khi ở cùng gia đình. Bạn có cơ hội để làm những gì mình thích, thực hiện những kế hoạch mà khi trước chưa thực hiện được như tự trang trí phòng ngủ, nuôi thú cưng. Và chính việc sống riêng, tự quyết định những thứ nhỏ nhất trong cuộc sống sẽ giúp bạn có thêm trách nhiệm cho hành động của mình.
Do vậy, “ra riêng” cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải tập cho mình những kỹ năng mới, từ những việc nhỏ nhất như hoạch định kế hoạch chi tiêu, nội trợ, kỹ năng sống cùng với tập thể, cùng vô số những kỹ năng quý giá không tên khác.
Trước tiên, bạn sẽ phải tự lo cho chính bản thân mình từ A tới Z. Bảng kế hoạch chi tiêu mỗi tháng thuê nhà sống riêng sẽ giúp bạn trưởng thành ngay lập tức. Đi cùng đó là tất cả những thứ cần phải lo, từ việc tìm nhà trọ đến việc nấu ăn mỗi ngày, từ việc vệ sinh phòng tắm đến việc trang trí phòng ngủ, tất tần tật những thứ nhỏ nhất đều sẽ xuất phát từ ví của bạn. Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu này, bạn cần có nguồn thu nhập ổn định cùng với kế hoạch chi tiêu hợp lý, để không bị quá áp lực về mặt tài chính.
Một số gợi ý nho nhỏ sau dành cho những bạn đang có ý định thuê nhà ở riêng:
Tìm nhà thuê:
Đầu tiên, bạn cần phải xác định khu vực mình muốn sống trước khi tìm nhà thuê. Để dễ dàng đưa ra quyết định, bạn nên lập ra một danh sách những tiêu chí bạn cần khi thuê nhà như: gần công ty, gần các địa điểm vui chơi, an ninh, giao thông thuận lợi,…
Sau khi đã quyết định được khu vực cần tìm, bạn sẽ tiếp tục lên mạng để tìm kiếm các căn hộ hoặc phòng trọ phù hợp.
Quản lý chi tiêu: Bạn nên chia nhỏ thu nhập của mình thành 3 phần
50% dành cho những nhu cầu cơ bản (tiền nhà, tiền ăn).
30% dành cho tiêu vặt.
20% còn lại tiết kiệm.
Phần trăm mỗi phần có thể thay đổi tùy thuộc vào số tiền bạn kiếm được mỗi tháng và nhu cầu bản thân. Việc chia nhỏ lương như vậy giúp bạn kiểm soát được những chi tiêu mà mình đã sử dụng trong 1 tháng, và có thể điều chỉnh ngay nếu thấy không hợp lý.
Và đặc biệt hơn, chỉ có những bạn xa nhà rồi mới cảm nhận được, là càng xa gia đình sẽ lại càng thấy nhớ, thấy yêu thương bố mẹ mình hơn, trân trọng hơn những phút giây ở cùng gia đình.
Vì vậy, để cân nhắc cho việc có nên ra ở riêng hay không, bạn cần cân nhắc một số ưu – nhược điểm của từng lựa chọn và nhu cầu bản thân. Không phải chỉ có cách “ra riêng” mới giúp bạn trưởng thành và trải nghiệm. Tuy nhiên hãy luôn nhớ rằng, mọi quyết định của bạn sẽ luôn được sự đồng hành và ủng hộ của gia đình.