Vậy chúng ta nên bày bàn thờ ngày Tết ra sao? Bàn thờ Tết gồm những gì? Cần tránh những kiêng kỵ nào? Trang trí không gian thờ tự sao cho đẹp và hợp phong thủy? Trong phạm vi bài viết dưới đây, Dothi.net sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về việc dọn dẹp, trang hoàng, bài trí bàn thờ Tết.
1. Ý nghĩa của việc bày bàn thờ ngày Tết
Trong văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam, việc bày bàn thờ Tết có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần quyết định thịnh vượng, an yên của gia chủ trong năm mới.
Bàn thờ đối với các gia đình Việt là nơi họ bày tỏ sự thương nhớ, kính trọng, biết ơn tổ tiên, ông bà đã khuất, đồng thời cầu mong các bậc tiền bối che chở, ban phước lành. Tết Âm lịch là dịp để con cháu trang hoàng lại bàn thờ, nhớ về cội nguồn, mời ông bà tổ tiên về đón năm mới, khai xuân cùng con cháu.
Việc bày bàn thờ đẹp ngày Tết cũng như hoạt động thờ cúng tổ tiên góp phần đáp ứng nhu cầu, thỏa mãn đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Việt, đồng thời thể hiện khát vọng một năm mới an yên, ấm no. Khi thờ cúng tổ tiên, mọi người tin rằng linh hồn của ông bà sẽ che chở, phù hộ cho con cháu, hướng tới các giá trị Chân – Thiện – Mỹ cao đẹp.
Do đó, bày bàn thờ Tết là hoạt động nên được ưu tiên, chú trọng hàng đầu mỗi dịp Tết đến xuân về. Đặc biệt, nhằm tỏ lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên, việc bài trí ban thờ phải do chính gia chủ thực hiện. Tuy nhiên, trước khi bày biện trang trí, chúng ta cần lau dọn, vệ sinh, bao sái bàn thờ.
2. Lau dọn, bao sái ban thờ trước Tết Nguyên đán
Trước Tết Nguyên đán, cần bao sái ban thờ tổ tiên sạch sẽ. Thông thường, sau lễ cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp, gia chủ có thể lau dọn bàn thờ, nên chọn ngày lành để thực hiện công việc này. Bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Tỉa chân nhang: Gia chủ một tay giữ bát hương, tay còn lại rút chân hương. Nếu trạch chủ là nam thì giữ lại 7, 17, 27, 37 chân hương, nếu trạch chủ là nữ sẽ giữ lại 9, 19, 29, 39 chân hương.
- Tránh di chuyển hoặc hạ bát hương bởi nếu sang hướng xấu sẽ không tốt cho gia chủ.
- Bài vị, di ảnh, cốc chén, lọ hoa… nên được hạ xuống bàn có chân cao, phủ vải đỏ hoặc giấy đỏ rồi mới vệ sinh làm sạch.
- Dùng khăn sạch (chuyên dùng để lau bàn thờ) ngâm nước ấm hoặc nước ngũ vị hương pha rượu gừng để lau toàn bộ đồ thờ, sau lau khô ráo.
- Tránh đổ toàn bộ tro trong bát hương ra ngoài cùng lúc bởi dễ gây tán tài tán lộc, thay vì thế nên dùng thìa nhỏ xúc tro ra ngoài.
- Đặt đồ thờ, đồ trang trí về đúng vị trí cũ sau khi bao sái xong, thay nước mới và cắm hoa tươi.
Ngoài ra, cần phải cẩn trọng và chi tiết khi lau dọn bàn thờ Tết, tránh làm đổ vỡ đồ đạc. Nên thay mới cốc chén rạn nứt hoặc sứt mẻ, khăn trải bàn thờ, bình hoa đã cũ… nhằm mang đến luồng sinh khí mới, tích cực hơn. Sau khi bao sái bàn thờ, bước tiếp theo mà gia chủ cần thực hiện là bày biện, trang trí không gian thờ tự.
3. Bàn thờ ngày Tết gồm những gì?
Bày bàn thờ Tết không được qua loa, đại khái, ít nhất cũng vì tính thẩm mỹ tổng thể, chứ chưa nói tới lòng thành kính với ông bà tổ tiên, kế nữa là yếu tố phong thủy. Khi bài trí bàn thờ nói chung và bàn thờ Tết nói riêng, có hai loại đồ không thể thiếu là đồ thờ cúng và đồ trang trí ban thờ.
Đồ trang trí:
– 02 cây nến hoặc 2 đèn dầu đặt hai bên bàn thờ, tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng.
– 02 lọ hoa: Trong đó, một lọ đựng hương, lọ còn lại cắm hoa tươi (hoa cúc, cành đào, mai…) hoặc đựng cây vàng, cây bạc.
Đồ thờ cúng:
– 03 chén nước, 03 chén rượu.
– Hương (nhang), ưu tiên chọn hương vòng cháy lâu, thơm hơn.
– Mâm ngũ quả: Gồm 5 loại quả có ý nghĩa khác nhau, xuất phát từ lý thuyết Ngũ hành (Kim – Thủy – Mộc – Hỏa – Thổ) – những yếu tố tạo nên vũ trụ cũng như sự vận hành của nó. 5 loại quả này tượng trưng cho mong ước Phú (giàu có) – Quý (sang trọng) – Thọ (sống lâu) – Khang (khỏe mạnh) – Ninh (bình yên). Mâm ngũ quả ngày Tết sẽ khác nhau theo từng vùng miền.
+ Mâm ngũ quả miền Bắc: Thường có những loại quả như bưởi, táo, lựu, lê, Phật thủ, cam/quất, chuối xanh…
+ Mâm ngũ quả miền Trung: Gồm các loại quả như xoài, bưởi, thanh long, dưa hấu, nải chuối, sung, lựu, táo, Phật thủ,…
+ Mâm ngũ quả miền Nam: Gồm các loại quả như mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài.
Ngày nay, với sự hiện diện của nhiều loại hoa quả nhập khẩu, mâm ngũ quả ngày Tết cũng phong phú hơn nhiều về chủng loại. Bởi lẽ, người Việt vốn có tính dung hợp văn hóa một cách linh hoạt nên luôn có thể tìm thấy các yếu tố, giá trị thích hợp với đời sống văn hóa tâm linh của mình.
– Mâm cỗ cúng gia tiên: Mâm cơm cúng gia tiên không thể thiếu đĩa xôi, thịt gà luộc, giò chả, bánh chưng cùng những món ăn đậm hương vị Tết khác.
– Vàng mã, trầu cau, rượu, thuốc lá cũng là những thứ được bày biện trên bàn thờ ngày Tết của các gia đình Việt.
4. Cách bày bàn thờ ngày Tết chuẩn phong thủy
Bày bàn thờ ngày Tết là việc sắp xếp, bài trí các loại đồ cúng, đồ trang trí trên bàn thờ sao cho đầy đủ, gọn gàng và hợp phong thủy bàn thờ. Tùy từng vùng miền nhưng nhìn chung việc bài trí bàn thờ gia tiên ngày Tết gồm những vấn đề cơ bản như sau:
– Bát hương: Gia chủ cắm cây nhang vòng lớn ở giữa, xung quanh cắm thêm các loại nhang khác. Có thể đặt 2 bát nhang nhỏ khác ở hai bên trái, phải của bát hương chính. Thường thì các gia đình chỉ có một bát hương, ba bát hương cho các bàn thờ lớn hoặc dòng họ.
– Đỉnh đồng (nếu có): Đặt ở trung tâm, ngay sau bát hương chính.
– Nến thơm, đèn dầu: Hai bên của 2 bát hương phụ thường là hai cây đèn dầu hoặc hai ngọn nến (thơm).
– Hạc đồng, lọ hoa, chân nến: Đặt ở hai bên bàn thờ ngày Tết. Thường sử dụng hoa cúc, hoa đào, mai, lay ơn để cắm ngày Tết.
– Mâm ngũ quả: Đặt phía trước bát hương.
– Ấm chén, li nước: Đặt song song ngang hàng hoặc ngay phía dưới mâm ngũ quả.
– Lễ vật dâng cúng: Gồm vàng mã, giấy áo, bình rượu ngon, xung quanh bày thêm bánh trái, mứt để tạo sự cân đối cho bàn thờ.
– Mâm cỗ cúng gia tiên: Được bày biện chu đáo và đẹp mắt với những món ăn ngày Tết cổ truyền như bánh chưng, bánh tét, gà luộc, đĩa xôi, chả giò, nem cuốn, cơm canh… Mâm cỗ này thường có nhiều món nên không đủ chỗ bày biện trên cao mà đặt ngay phía dưới bàn thờ.
Khi cúng Tất niên và cúng hóa vàng tiễn tổ tiên ngày Tết, sau khi tàn hương thì con cháu dọn đồ cúng xuống thưởng thức. Riêng với hoa quả sẽ để lại trên bàn thờ khoảng 1-2 ngày sau mới hạ xuống.
5. Một số lưu ý phong thủy khi bài trí bàn thờ Tết
Ngoài sự đầy đủ và tính thẩm mỹ khi bày bàn thờ ngày Tết, gia chủ cần tránh phạm phải những kiêng kỵ phong thủy sau đây để góp phần thu hút may mắn, tài lộc đến với đại gia đình trong năm mới.
Đặt bát hương ở chính giữa bàn thờ, không được xê dịch
Bát hương chính cần được đặt ở vị trí trung tâm của bàn thờ tổ tiên, tượng trưng cho tinh tú và trên bát hương có cây trụ cắm hương vòng, tượng trưng cho trục của vũ trụ. Hai bát hương phụ đặt ở hai bên trái, phải tạo thế tam tài. Hai góc ngoài cần có hai cây nến hoặc đèn dầu tượng trưng cho mặt trăng (bên phải) và mặt trời (bên trái).
Lưu ý thêm, khi bao sái lau dọn bàn thờ cuối năm, chúng ta không nên dịch chuyển bát hương sang vị trí khác vì có thể phạm hướng hung, có thể gây xui xẻo cho gia chủ. Cũng nên rút từng cây hương khi dọn chân hương, sau đó hóa vàng số chân hương đã rút, rải ở sông suối sạch sẽ, không vứt bừa bãi.
Ngoài ra, nên ưu tiên sử dụng bát hương làm bằng chất liệu sứ, đồng, tránh dùng đá hoa cương.
Mâm ngũ quả ngày Tết nên bày theo Ngũ hành
Để đón tài lộc trong năm mới, nhiều gia đình chọn bày mâm ngũ quả theo Ngũ hành Kim – Thủy – Mộc – Hỏa – Thổ là những yếu tố cấu thành nên vũ trụ. 5 loại quả trên mâm có ý nghĩa tốt đẹp, tượng trưng cho mong muốn, khát vọng của gia chủ về một năm mới bình an, sung túc.
– Hành Kim: Bày quả có màu trắng như lê hoặc quả roi (mận – theo cách gọi của người miền Nam).
– Hành Thủy: Bày quả có màu sậm, tối như nhỏ đen
– Hành Mộc: Bày quả có màu xanh như dừa, chuối xanh, dưa hấu, mãng cầu, na, đu đủ xanh, sung…
– Hành Hỏa: Bày quả có màu đỏ như hồng, thanh long, táo tây…
– Hành Thổ: Bày quả có màu nâu hoặc nâu đất như bưởi, xoài chính, cam vàng, quýt vàng, Phật thủ chín…
Tránh bày trái cây giả, hoa giả lên bàn thờ Tết
Việc sử dụng trái cây và hoa giả cho bàn thờ có thể giúp tiết kiệm chi phí, nhưng theo các chuyên gia phong thủy, điều này không tốt bởi không thể hiện được sự thành kính của con cháu với tổ tiên. Thay vào đó nên dùng hoa tươi, trái cây tươi sạch sẽ, thơm ngon và phù hợp để bày biện lên bàn thờ.
Bàn thờ ngày Tết phải luôn sạch sẽ, thường xuyên thắp nhang
Không gian thờ tự cần được giữ sạch sẽ và ngăn nắp. Điều này không chỉ giúp đảm bảo tính thẩm mỹ tổng thể của ngôi nhà mà còn có ý nghĩa tốt về mặt phong thủy. Gia chủ nên thường xuyên thắp nhang trên bàn thờ gia tiên trong những ngày đầu xuân năm mới, nhất là khi bàn thờ hướng trực tiếp ra cửa chính ra vào nhà. Ngoài ra, để thu hút năng lượng tích cực, may mắn thì đèn trên bàn thờ luôn phải bật sáng.
Với những chia sẻ trên đây về cách bày bàn thờ ngày Tết, hy vọng độc giả sẽ có được cái nhìn tổng quan về vấn đề này, qua đó bày biện và trang trí không gian thờ tự của gia đình mình chuẩn phong thủy hơn, góp phần thu hút may mắn, mang lại bình an và thịnh vượng.