Có thể bạn chưa biết: Các trường hợp con ruột cũng không có quyền thừa kế nhà đất

Theo quy định của pháp luật, quyền thừa kế là khi một người qua đời thì tài sản của họ sẽ được người khác thừa kế lại. Trong đó, danh mục những người thừa kế hàng đầu là vợ/chồng, con, cha mẹ… Song, bất kể có là con ruột đi chăng nữa thì trong một số trường hợp bố mẹ không may qua đời vẫn không được hưởng thừa kế. Vậy đó là những trường hợp nào, hãy cùng thitruongdoanhnghiep.com.vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.

Quyền thừa kế là gì? 

Căn cứ Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền thừa kế, cụ thể:

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

Do đó, quyền thừa kế là việc cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trong trường hợp người thừa kế không phải cá nhân thì có quyền hưởng di sản theo di chúc.

Căn cứ Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế như sau:

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế, hoặc đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không phải là  cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Các trường hợp không được hưởng thừa kế

Căn cứ theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015, các trường hợp không được quyền hưởng di sản, cũng như quyền thừa kế nhà đất, bao gồm:

  1. Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.

  1. Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.

  2. Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.

  3. Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Trong trường hợp con ruột không đối xử tốt với cha mẹ, cố tình xâm hại đến sức khỏe hay đe dọa tính mạng của bố mẹ hay người để lại tài sản thì người đó hoàn toàn không có quyền được hưởng thừa kế. Đây là một trong những hành vi đáng lên án và không xứng đáng cũng như không được phép hưởng tài sản thừa kế theo quy định của pháp luật.Tuy vậy, những người này vẫn có thể được hưởng tài sản thừa kế trong trường hợp người để lại di sản biết những hành vi đó của họ nhưng vẫn đồng ý cho họ hưởng quyền thừa kế theo di chúc.

  1. Người đã thành niên có khả năng lao động và toàn bộ di sản được thừa kế theo di chúc hợp pháp nhưng không cho người con đó hưởng thừa kế. 

Tức là, nếu con ruột đã đủ tuổi thành niên (đủ 18 tuổi trở lên) có khả năng lao động không được hưởng di sản thừa kế khi:Toàn bộ di sản là quyền sử dụng đất, nhà ở được thừa kế theo di chúc hợp pháp. Người lập di chúc không đồng ý cho người đó hưởng thừa kế.

Bài viết trên đây là những thông tin về quyền thừa kế cũng như các trường hợp dù là con ruột cũng không có quyền hưởng thừa kế. Hy vọng bài viết trên  đã cung cấp thêm cho quý độc giả những thông tin pháp luật hữu ích để có thể áp dụng vào cuộc sống nếu như gặp những trường hợp trên.

Những thông tin pháp lý nhà đất mới nhất luôn được chúng tôi cập nhật tại đây